Trong không khí chuẩn bị lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 49 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước tôi lại thấy bồi hồi xúc động về sự hy sinh của thế hệ cha ông để giành lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Tiếp nối truyền thống yêu nước của thế hệ cha ông, các thế hệ trẻ ngày nay không ngừng trau dồi tri thức, kinh nghiệm để thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ đưa nước ta sánh vai với các cường quốc năm châu. Trong đó vai trò của các thầy giáo, cô giáo là không thể thiếu. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. cũng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo.” Những câu nói bất hủ ấy đã khẳng định vai trò to lớn của giáo dục đối với việc hình thành nhân cách và phát triển con người, khẳng định vai trò của những nhà giáo trong việc đóng góp xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể trở thành những người thầy, người cô- những người đặt hết tâm huyết cũng như tình yêu con người, trách nhiệm lớn lao đối với lớp trẻ, với xã hội.
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trường duy nhất của Thủ đô Hà Nội đào tạo tài năng nghệ thuật. Trải qua 57 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường ngày càng khẳng định được vị thế của mình và thu hút nhiều tài năng, năng khiếu nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Trong 57 năm qua, Nhà trường đã có được nhiều thành tích đáng tự hào: Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng 3, nhiều cờ, bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ văn hóa thể thao và du lịch… Có những thành tích đó là sự đóng góp không mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, giảng viên, nhân viên nhà trường.
Qua nhiều năm thực hiện cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tập thể cán bộ giảng viên, giáo viên, cán bộ nhân viên của Trường luôn không ngừng học tập, tu dưỡng đạo đức, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công cuộc “trồng người”. Nhiều tấm gương nhà giáo tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp đã được học trò tin yêu, phụ huynh quý mến, xã hội trân trọng. Không thể không tự hào khi nhắc đến Tiến sĩ, cô giáo Ngô Thị Thanh Hà – Phó trưởng phòng Tổ chức hành chính, giáo viên Lịch sử Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, được coi là một tấm gương điển hình tiên tiến, bởi lòng nhiệt tình, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để cống hiến cho tập thể nhà trường, có bản lĩnh tuyệt vời của một nhà giáo.
Tiến sĩ Ngô Thị Thanh Hà là một trong những tấm gương nhà giáo mẫu mực, được biết đến là người tận tụy, tâm huyết, có trách nhiệm với nghề. Chị luôn được đồng nghiệp và học sinh yêu quý, là người truyền lửa cho rất nhiều thế hệ học sinh trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội thêm yêu thích và tìm tòi về lịch sử của nước ta. Phẩm chất, nhân cách và trình độ chuyên môn của chị đã được ghi nhận và xứng đáng để đồng nghiệp cũng như các thế hệ học trò noi theo. Chị sinh ra và lớn tại đô thị cổ đầu tiên của nước ta. Đó là thành Cổ Loa, hiện nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Có lẽ vì vậy mà chị đã yêu thích lịch sử Việt Nam từ thuở nhỏ và quyết tâm theo đuổi trở thành một giáo viên, tiến sỹ lịch sử Đảng để tiếp tục giáo dục lòng yêu nước và tinh thần dân tộc đến với nhiều thế hệ trẻ mai sau. Sau khi tốt nghiệp khoa Lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, chị đã về công tác tại Trường cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Trải qua bao thăng trầm biến đổi của cuộc sống, trường ngày càng khang trang nhưng chị vẫn vậy: giản dị, mộc mạc và chân thành trong trang phục, lời ăn và tiếng nói. Vẫn gương mặt hiền hòa mà đôn hậu, giọng nói trang nghiêm mà ấm áp lòng người. Dưới bàn tay của chị biết bao thế hệ học sinh đã khôn lớn trưởng thành. Nhiều học sinh đã trở thành ca sỹ, hướng dẫn viên du lịch hoặc trở thành đồng nghiệp như chị. Còn chị vẫn như người lái đò thầm lặng năm xưa chở những chuyến đò qua sông. Dân gian thường ví cái nghề giáo ấy như người lái đò, mỗi đợt khách sang sông là mỗi lứa học sinh trưởng thành từ dòng sông tri thức. Người giáo viên vẫn thầm lặng chứng kiến sự trưởng thành của mỗi em học sinh, qua mỗi năm học là mỗi sự thay đổi từ các em và đó cũng là niềm an ủi cho mỗi thầy cô khi chứng kiến học trò của mình ngày càng trưởng thành. Đối với tôi, chị như một người đồng nghiệp, một người thầy dìu dắt, dạy bảo từ lúc mới công tác tại trường và đến bây giờ. Đối với học sinh, chị giống như người mẹ dìu dắt, lo toan cho các con từ lức mới chập chững bước vào ngôi trường và thầm lặng quan sát, dõi theo từng bước trưởng thành của mọi lứa học sinh đi qua. Những công việc thầm lặng ấy có mấy ai công nhận, cũng không có bất kỳ lợi ích gì cả, nhưng vì trách nhiệm và lòng yêu nghề nên chị luôn bỏ qua hết tất cả để làm việc và cống hiến một cách thầm lặng.
Với cương vị là một giáo viên đứng lớp, chị luôn chủ động tiếp thu cái mới, cái sáng tạo, tích cực để vận dụng trong giờ dạy nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể: chị luôn đổi mới phương pháp sao cho phù hợp tính chất bài học, phù hợp với đối tượng học sinh nên đã để lại ấn tượng cho học sinh có hứng thú với môn Lịch sử. Lịch sử là môn học dễ gây nhàm chán cho học sinh nhưng bằng tình yêu và nhiệt huyết nghề giáo chị đã giúp nhiều thế hệ học sinh hiểu và yêu thích và đam mê tìm tòi về môn Lịch sử. Trong giờ dạy của mình chị thường gắn bài giảng với những câu chuyện liên quan đến các nhân vật lịch sử giúp học sinh ghi nhớ kiến thức sâu hơn, đồng thời giáo dục cho các em lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc. Qua các câu chuyện của chị học sinh dần dần được cảm hoá, yêu thích môn Lịch sử và nhận thấy rằng đây là môn học thú vị. Trong thời kỳ công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, chị cũng rất nhanh nhạy bắt kịp xu thế để giảng dạy môn Lịch sử tốt hơn. Chị hướng dẫn học sinh tham khảo các trang về lịch sử Việt Nam và Thế giới trên nên tảng Tiktok, YouTube giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn và nhớ lâu hơn. Chị luôn tạo điều kiện giúp học sinh dễ dàng tiếp nhận kiến thức, không tạo áp lực, không răn đe. Chính nhờ cái tâm, lòng nhiệt tình đã khiến các em ngày một cố gắng, nỗ lực hơn để học tập.
Trong công tác, chị luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Phó trưởng phòng phòng Tổ chức hành chính chị luôn phối hợp chặt chẽ với các phòng ban, các khoa trong nhà trường rà soát thực hiện các quyền lợi dành cho cán bộ, giảng viên, giáo viên. Chị luôn chính trực trong công tác cán bộ, không để cho cán bộ, giảng viên, giáo viên thiệt thòi về quyền lợi, luôn tạo điều kiện, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Một điều đáng quý hơn cả, đó là tình cảm mà chị dành cho đồng nghiệp, một sự lắng nghe chia sẻ và cảm thông sâu sắc. Chị dành cho chúng tôi những lời động viên, khích lệ, những lời góp ý chân thành nhất. Đó không đơn giản là quan hệ lãnh đạo với cấp dưới mà là tình bạn, tình đồng chí, tình anh chị em cao cả. Các cán bộ nhà trường rất yếu quý chị bởi chị là một tấm gương sáng trong công tác quản lý, tạo sức mạnh bằng tinh thần đoàn kết với tác phong giản dị, yêu thương và luôn giúp đỡ đồng nghiệp một cách chân tình. Với những kết quả đạt được, hàng năm qua bình xét cán bộ, đảng viên chị được Ủy ban nhân dân Thành phố tặng Bằng khen, Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Chị thực sự là bông hoa tiêu biểu trong việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Trong lời bài hát hành khúc ngày và đêm có câu hát:
“Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ
Bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ”
Lời hát trên cũng đã khẳng định vai trò và vị thế của người thầy trong thời chiến. Ngày nay vị thế và vai trò của người thầy ngày càng quan trọng hơn. Đặc biệt trong giai đoạn công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ khiến các thầy giáo, cô giáo phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Nhiều thầy cô đã không chịu được áp lực từ dư luận, từ phụ huynh, học sinh nên đã tạm biệt với nghề giáo. Tôi lại càng cảm phục về nhiệt huyết, và lòng yêu nghề của cô giáo Ngô Thị Thanh Hà. Có một câu danh ngôn hay, ý nghĩa nói về nghề giáo mà tôi đã từng được đọc và rất ấn tượng đó là: “Một người thầy giỏi giống như ngọn nến – nó đốt cháy chính mình để soi sáng đường cho những người khác” (Mustafa Kernal Ataturk). Khi đọc câu danh ngôn tôi đã nghĩ ngay đến chị, người giáo viên mẫu mực, người lãnh đạo thân thiện và cũng là người chị của mình. Đối với tôi chị Ngô Thị Thanh Hà không chỉ là một người lãnh đạo nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, người chị thẳng thắn chân tình mà còn là một tấm gương sáng để chúng tôi học tập, rèn luyện, cống hiến nhiều hơn cho mái trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội thân thương này.
Tác giả: Trần Thị Phương Thúy
Giáo viên Khoa Văn hóa phổ thông