TS: Ngô Thị Thanh Hà
Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính
Từ những ngày đầu khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho đến nay, đã có không ít tấm gương “Người tốt việc tốt” trên khắp cả nước được biểu dương. Tất cả mọi người đều muốn chung tay đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Nhiều người trong số họ là những thầy cô giáo, những người mang trên vai sứ mệnh trồng người mà toàn xã hội tin tưởng trao cho, những người thầy cô không quản khó nhọc, hết mình vì các thế hệ học sinh thân yêu.
Trong bài viết hôm nay, tôi muốn nói đến một người như thế, một nhà giáo tận tâm với các thế hệ học trò, người đồng nghiệp đáng kính và là một tấm gương sáng trong vườn hoa “Người tốt việc tốt”, cô giáo – Thạc sĩ: Trần Thị Vĩnh Linh – Trưởng khoa Thanh nhạc trường Cao Đẳng nghệ thuật Hà Nội.
Mỗi ngày phải đi qua những con đường nườm nượp người, xe, ồn ào và khói bụi, để đến với ngôi nhà thứ 2 – trường Cao Đẳng Nghệ thuật Hà Nội mà tôi đã tình nguyện gắn bó suốt cuộc đời mình, lòng tôi như dịu lại. Đó là cảm giác rất thực, rất trìu mến, thân thương khi đến trường và bắt gặp những bóng mát của tán bàng, tán phượng; được gặp gỡ những người đồng nghiệp cùng các em học sinh, sinh viên yêu quý. Mỗi khi đi qua khoa Thanh nhạc, tôi lại được gặp cô giáo Vĩnh Linh – người phụ nữ dịu hiền trong tà áo dài tha thướt đang say mê nghiên cứu nghệ thuật và truyền lửa nghề cho lớp lớp học sinh, sinh viên. Một công việc tưởng chừng rất đỗi bình dị nhưng thật cao quý và ghi đậm dấu ấn của cô giáo Vĩnh Linh đối với lớp lớp thế hệ học sinh, sinh viên khoa Thanh nhạc.
Hôm ấy, tôi gặp chị trong một buổi chiều cuối thu, những cơn gió heo may se lạnh cuốn từng đám lá khô đi vội vã. Sân trường Nghệ thuật Hà Nội đang vắng lặng như bừng sáng khi người phụ nữ ấy mỉm cười. Chị có một nét đẹp tuyệt vời của người phụ nữ Hà Thành. Tôi cảm nhận được có điều gì đó hết sức đặc biệt ở người phụ nữ đang đứng đối diện: đó là khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt lấp lánh niềm vui hay là sự lôi cuốn lạ kỳ trong từng lời nói, cử chỉ và điệu bộ của chị. Cuộc chuyện trò của tôi với chị Vĩnh Linh để chuẩn bị cho tập san của nhà trường nhân dịp kỷ niệm 55 năm thành lập trường Cao đẳng Nghệ thuật. Những câu chuyện chị kể, những đóng góp của chị đối với chặng đường 55 năm tuổi của Nhà trường đã để lại cho tôi những ấn tượng khó phai.
Trong suy nghĩ của tôi đối với một người đồng nghiệp đã có thời gian dài cùng nhau làm việc dưới mái nhà chung Nghệ thuật Hà Nội, thì cô giáo Vĩnh Linh không chỉ là tấm gương tiêu biểu tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, mà còn là một người chị gái dịu hiền và hết lòng tận tụy với công việc. Những năm qua, chị Vĩnh Linh đã cùng các thầy cô giáo nơi đây xây dựng Hội đồng sư phạm nhà trường thành một tập thể đoàn kết, trí tuệ, dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Đồng thời, có một thời gian dài chị là Chủ tịch Công đoàn trường, chị đã có những đóng góp không nhỏ cho hoạt động Công đoàn Nhà trường và chị luôn quan tâm đến hoàn cảnh của từng đồng nghiệp, biết cảm thông, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ để họ công tác tốt.
Với bất kỳ cương vị nào, từ một nhà giáo, một trưởng khoa, chị Vĩnh Linh luôn đi đầu trong việc vận dụng nhiều phương pháp khác nhau từ lý luận đến thực tiễn để nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới quản lý khoa chuyên môn của mình. Đặc biệt, chị vận dụng tốt các biện pháp quản lý bằng việc xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; bằng pháp chế theo đúng quy định của các cấp. Bên cạnh đó, bản thân chị và vận động cán bộ, giảng viên của khoa cùng hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào thi đua của Nhà nước và ngành giáo dục; thực hiện tốt công tác phối hợp với giữa khoa với các đơn vị chức năng, với tổ chức đoàn thể để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Qua câu chuyện với chị, tôi cũng biết được ngay từ nhỏ, chị Vĩnh Linh đã mơ ước sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo, sẽ gắn bó và tận tâm với sự nghiệp trồng người, ươm mầm cho các thế hệ trẻ tương lai của Tổ quốc. Và chính mơ ước ấy đã đưa cô gái trẻ đến với Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội như một sự tình cờ. Sau 8 năm được rèn luyện, đào tạo tại Học viên âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chị Vĩnh Linh đã được giới thiệu và vào làm việc tại trường. Với hoài bão tuổi trẻ, tình yêu nghề chị đã cống hiến cả tuổi thanh xuân chở các chuyến đò cập vào bến bờ hành phúc. Không chỉ giảng dạy, chị còn hăng hái tham gia vào công tác Đoàn thành niên đưa các đoàn học sinh, sinh viên biểu diễn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước và đạt được nhiều thành tích nổi bật, tạo được dấu ấn của mái trường Nghệ thuật Hà Nội với bè bạn trong nước cũng như quốc tế. Với những đóng góp của chị trong công tác Đoàn, chị đã nhận được nhiều Bằng khen của Thành Đoàn Hà Nội và Trung Ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Khi đó, với vai của một nhà giáo trẻ, chị Vĩnh Linh cũng không ngừng học hỏi, luôn tận tâm, tận lực, không nề hà bất kỳ công việc gì được Ban Chủ nhiệm khoa hay Ban Giám hiệu phân công. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong thời gian mới làm quen với công việc có tính chất đặc thù của môi trường nghệ thuật với nhiều đối tượng học sinh, sinh viên khác nhau, nhưng cô luôn cố gắng học hỏi, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu để hiểu rõ hơn về Khoa Thanh nhạc, về Nhà trường.
Ngoài nhiệm vụ giảng dạy theo chương trình chính khoá, chị không nề hà và thu xếp thời gian phụ đạo thêm cho các học sinh, sinh viên còn yếu về chuyên môn để các em có được sự tự tin và sự hứng thú để theo đuổi nghề mà mình đã chọn. Với tất cả tình yêu thương bao la dành cho các thế hệ học trò, chị được các em học sinh, sinh viên dành cho nhiều tình cảm qua những món quà nhỏ, những lời viết tri ân trên facebook, zalo hay những tin nhắn hàng ngày… học sinh thường gọi cô là “cô Vĩnh Linh dịu hiền, xinh đẹp”.
Không chỉ nghiêm túc và tận tâm trong công tác giảng dạy, chị còn là một trưởng khoa đầy tinh thần trách nhiệm. Các cán bộ, giảng viên trong khoa Thanh nhạc luôn được chị tạo điều kiện để phát triển năng lực, cán bộ trẻ cũng được quan tâm giúp đỡ để có được nhiều thành tựu trong công tác giảng dạy cũng như học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn.
Hết lòng với công việc ở trường, nhưng chị cũng chưa một phút xem nhẹ trách nhiệm của người vợ hiền thảo và của người mẹ đảm đang khéo léo. Chị Vĩnh Linh có một gia đình hạnh phúc với 02 con một trai, một gái. Các con của chị đều đã trưởng thành và có công việc ổn định. Chị cũng luôn làm tròn bổn phận “dâu hiền”, “vợ thảo” được bố mẹ và chồng yêu thương hết mực. Gia đình và chồng của chị luôn tạo mọi điều kiện để cho chị cống hiến với những đam mê của mình.
Không chỉ vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà, chị Vĩnh Linh còn là người có tấm lòng nhân ái, bao dung. Chị rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện tại địa phương cũng như khắp các tỉnh thành trong cả nước. Chị cùng với nhóm thiện nguyện Đa bảo là một số giảng viên, học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã thực hiện nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho đồng bào vùng cao trong các dịp lễ tết, đồng bào ở khu vực khó khăn như: Lào Cai, Lại Châu, Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Trị, Hà Tĩnh… Nhóm cũng thực hiện hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, mắc bệnh hiểm nghèo bằng các hình thức khác nhau như xây nhà tình thương cho chú Ngô Trung Sổng Tại Hà Nam, hỗ trợ kinh phí chữa bệnh cho một số bệnh nhân tại bệnh viện K và xây dựng Thư viện sách cho một số trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông thuộc vùng cao tỉnh Lào Cai. Số tiền mà chị Linh với những thành viên nhóm Đa Bảo mang đến cho các hoàn cảnh khó khăn không thể thống kê hết được nhưng quan trọng không phải ở số tiền nhiều hay ít mà đó là ở tấm lòng, tình cảm ấm áp của chị Linh và nhóm thiện nguyện muốn chia sẻ với đồng bào có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền tổ quốc.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, mỗi người dân Hà Nội đều là một “chiến sĩ” trên mặt trận chống dịch bằng những cách làm và những đóng góp khác nhau nhưng đều chung một mục đích đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chị Linh cũng như những người dân đều tham gia hoạt động phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và tham gia hỗ trợ trực gác tại chốt kiểm soát khu phố AnTrạch nơi chị sinh sống vào các ngày cuối tuần. Chị rạng ngời hạnh phúc khi có người hỏi thăm: “Có ngày cuối tuần được nghỉ sao chị không ở nhà nghỉ ngơi mà lại tham gia trực vất vả quá”. Chị nói “Trong giai đoạn nóng của thành phố và cả nước, mình được góp sức cùng địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh thì quên hết mệt mỏi rồi”. Đặc biệt, chị cùng nhóm Đa bảo đã đóng góp không nhỏ công sức vào hoạt động thiện nguyện phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động nổi bật nhất của chị đó là cùng nhóm kêu gọi ủng hộ các Chiến sĩ – Bác sĩ tại các Chốt chống dịch biên giới Tây Ninh, Hà Giang, Kiên Giang. Nhóm đã sử dụng số tiền hơn 200 triệu đồng nhận được để mua các vật dụng và nhu yếu phẩm như: khẩu trang, bộ bảo hộ, nhà bạt quân đội chuyên dụng, máy lọc nước, đèn pin, ủng cao su, sữa, mỳ tôm…. gửi tặng các chiến sỹ, bác sỹ tại các điểm chốt phòng, chống dịch.
Vâng, đến nay với những đóng góp trên mọi hoạt động xã hội cũng như chuyên môn và với “thâm niên” gần 30 năm gắn bó trong nghề, chị đã mang cả tuổi thanh xuân và sức trẻ cống hiến cho xã hội và mái trường Nghệ thuật Hà Nội thân yêu. Tất cả những đóng góp của chị đã được Nhà trường cũng như các cấp ghi nhận bằng các hình thức khen thưởng cao quý: nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; đạt danh hiệu “người tốt việc tốt” cấp thành phố năm 2016; đạt danh hiệu “người tốt việc tốt” giai đoạn 2015 – 2020; Bằng khen thành phố năm học 2019 – 2020. Dưới sự dẫn dắt của chị, khoa Thanh nhạc đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: Được UBND thành phố Hà Nội tặng 02 Bằng khen, 01 Cờ đơn vị xuất sắc, 01 Tập thể lao động tiên tiến; được Thủ tướng Chính phủ tặng 01 Bằng khen năm 2014; Được tặng Huân chương lao động Hạng 3. Nhưng thành tích cao quý nhất mà chị đạt được đó là sự trưởng thành, sự thành công của học sinh, sinh viên được chị đào tạo, truyền đam mê và tình yêu âm nhạc như: Ngọc Khuê Giải Nhì Tiếng hát truyền hình Sao mai toàn quốc 2003, giải Hội đồng nghệ thuật bình chọn Sao mai điểm hẹn 2004, giải ca sĩ hay nhất của Bài hát Việt 2005; Ca sĩ Quốc Huy, Giải nhất Ngôi nhà Âm nhạc 2012; Ca sĩ Yến Lê Á quân The Voice 2016; Ca sĩ Nguyễn Hải Anh (Layla) Á quân The voice 2019, Huy chương Vàng Tài năng trẻ toàn quốc các trường Văn hóa nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc 2019; Nguyễn Đỗ Khánh An Á quân The voice Kid 2019; Trần Minh Thư Huy chương Vàng chuyên ngành Thanh nhạc Festival châu Á Thái bình dương 2019, giải Nhì giọng hát hay tiếng Hàn quốc VOV 2019 …
Với tình yêu nghề, yêu nghệ thuật, yêu trẻ đã tạo nên một cô giáo Vĩnh Linh sẵn sàng đóng góp, cống hiến cả tuổi trẻ vào sự nghiệp đào tạo của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và thực hiện “Ước mơ xanh” của mình – ước mơ trở thành người giảng viên được đứng trên bục giảng, truyền lửa, truyền nghề, truyền tình yêu và đam mê nghệ thuật cho các thế hệ học trò thân yêu.