Nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu giữa các trường văn hoá nghệ thuật trên toàn quốc lần thứ XIII do trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội đăng cai tổ chức;
Tối ngày 24/10 vừa qua chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Cảm Xúc Tháng Mười” đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút đông đảo khán giả đến tham dự.
Đêm nhạc có sự hiện diện của Bà Vũ Thu Hà, Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Ông Đỗ Đình Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Trước khi chương trình nghệ thuật bắt đầu, Bà Vũ Thu Hà – Thành Ủy viên – Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội đã lên tặng hoa cho lãnh đạo 13 trường văn hóa nghệ thuật thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội tới sự kiện này.
“Cảm xúc tháng Mười” – lấy cảm hứng ngọt ngào, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng của mùa lãng mạn nhất trong năm, chương trình đưa khán giả đắm chìm trong một không gian nghệ thuật đa sắc màu, nơi vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội càng trở nên thi vị mang hương sắc riêng, khi thì e ấp ngọt ngào, khi lại rực rỡ tươi mới.
Chương trình còn là nơi hội tụ những tài năng trẻ của các trường văn hóa nghệ thuật trên toàn quốc với hai mươi tiết mục nhiều cung bậc cảm xúc, từ những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng đến những khoảnh khắc trầm tư về ký ức xưa của thủ đô.
Mở đầu chương trình là tiết mục Tháng Mười Hà Nội của nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, dưới sự dàn dựng của giảng viên hướng dẫn Lê Quốc Hưng, Đinh Lan Hương, và biên đạo Lê Tuyết.
Ca khúc đã vẽ lên hình ảnh một Hà Nội nhẹ nhàng và yên bình khi thu sang, với những sắc thái mộc mạc nhưng đầy quyến rũ.
Ca khúc Hà Nội Bình Yên của Tăng Nhật Tuệ, qua giọng hát của Hà Minh – Á quân VN Idol, đã chạm đến trái tim người nghe bằng sự sâu lắng, ấm áp. Một bài hát cho ta cảm nhận Hà Nội luôn là nơi để quay về với những ký ức bình yên, là nơi để ta nghỉ ngơi sau những vất vả ngày thường.
Từ nhẹ nhàng tới sâu lắng, “Những mùa đông dấu yêu” của nhạc sĩ Đỗ Bảo qua phần thể hiện của ca sĩ Lê Việt Anh – cựu sinh viên trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và là gương mặt quen thuộc từng đoạt giải Khán giả bình chọn Sao Mai Điểm hẹn 2012 đã gợi lên sắc đông nhưng đầy ấm áp, yêu thương.
Một Khúc Sông Hồng tác giả Lê Minh Sơn được trình bày bởi Quỳnh Thi, sinh viên tài năng của trường lại mang đến cho khán giả sắc thái cháy bỏng, rực rỡ.
Ấn tượng trong chương trình chính là tiết mục Sen – một sáng tác của Giang Hồng Ngọc, được biểu diễn bởi sự kết hợp của giảng viên, sinh viên các khoa Thanh nhạc, Nhạc nhẹ và Nhạc cụ truyền thống.
Tiết mục là một sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, khẳng định tài năng và ý chí “nghệ thuật là không ngừng sáng tạo”
Ca khúc chủ đề, “Cảm xúc tháng Mười”, qua phần trình diễn của Ca sĩ Tiến Hưng – giải nhì Sao Mai và cũng là cựu sinh viên xuất sắc, đã đem lại khoảnh khắc lắng đọng nhất đưa khán giả những chạm đến cảm xúc quen thuộc của mùa thu Hà Nội – từ cái se lạnh dịu dàng, đến tình yêu và nỗi nhớ.
Tham gia giao lưu, các tiết mục của 12 trường Văn hóa nghệ thuật đến từ 3 miền đất nước càng tạo nên sắc màu cho đêm diễn.
Từ tiếng kèn Saxophone du dương lắng đọng cho tới làn điệu chèo cổ Thái Bình. Khán giả được thưởng thức trọn vẹn không gian văn hóa cả nước, chìm đắm trong không gian cố đô Huế mộng mơ rồi lại du ngoạn tới vùng Tây Bắc qua tác phẩm múa “Vọng Núi” đậm chất nghệ thuật sáng tạo của giảng viên Xuân Đức – Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Tây Bắc. Bữa tiệc âm nhạc với đa dạng màu sắc, chất liệu nghệ thuật được chuẩn bị công phu như chỉ háo hức chờ đợi sự thưởng thức từ khán giả: Vọng cổ của miền Tây Nam bộ, “Mõ làng” của vùng đất Hải Dương, tiếng sáo trong veo trong “Phiên chợ ngày Xuân”, sâu lắng với ca khúc “Đà Nằng tình người”, giọng hát văn trong “Nam Định quê tôi” và tinh thần đoàn kết dân tộc từ hợp ca “Nối vòng tay lớn” đến từ trường Trung cấp VHNT Hải Phòng.
Khép Lại đêm diễn với liên khúc “Trống cơm – lý ngựa ô – lý kéo chài”
Tiết mục chính là thông điệp của sự đoàn kết, gắn bó, cùng chung tay giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được thể hiện qua phần kết hợp biểu diễn của giảng viên, sinh viên các trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội,Trung cấp VHNT Thừa Thiên Huế Cao đẳng VHNT Đà Nẵng và Cao Đẳng VNTTP. Hồ Chí Minh.
“Cảm Xúc Tháng Mười” không chỉ là một chương trình nghệ thuật mà còn là thành quả của những nỗ lực từ các thầy cô và sinh viên. Sự chỉ dẫn tận tình của các giảng viên đã giúp các nghệ sĩ trẻ tự tin, tỏa sáng và truyền tải trọn vẹn thông điệp của từng tác phẩm. Đây không chỉ là đêm nhạc thể hiện tài năng, mà còn là dịp để kết nối các thế hệ nghệ sĩ, tạo nên một không gian gắn kết giữa các nghệ sĩ trẻ và khán giả./.
Bài viết liên quan:
“Cảm xúc tháng Mười” từ các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật Giao lưu các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc Ấn tượng đặc biệt từ “Cảm xúc tháng 10” Hà Nội nhẹ nhàng, sâu lắng trong đêm nhạc “Cảm xúc tháng Mười”