Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhiệm vụ đến năm 2025, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Đề án “Khôi phục, bảo tồn, phát triển những dòng tranh dân gian của Hà Nội trong nhà trường Đại học, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật”.
Sáng ngày 31/10, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức chương trình trao đổi do TS. Vũ Tiến Dũng – Hiệu trưởng nhà trường chủ trì, tham gia xây dựng đề án cùng các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia.
Tham dự chương trình có Bà Bùi Thị Hương Thủy – Phó trưởng phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội; Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội; Họa sỹ Trần Lãng, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội; Ths. Nguyễn Thị Bình – Giáo viên Trường THCS Di Trạch, Hoài Đức và các nghệ nhân: Ông Lê Đình Nghiêm – Nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống; ông Bùi Xuân Thực Nghệ nhân tranh dân gian Kim Hoàng cùng tập thể giảng viên Khoa Mỹ Thuật ứng dụng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Mở đầu chương trình, TS. Vũ Tiến Dũng – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đưa ra khái quát các nội dung chính: Báo cáo xây dựng các nội dung bài giảng về tranh dân gian Hàng Trống, quá trình khôi phục tranh Kim Hoàng và cuối cùng lấy ý kiến xây dựng của các nghệ nhân và chuyên gia để hoàn thiện đề án.
Báo cáo về quá trình xây dựng các bài giảng về tranh dân gian Hàng Trống – Thầy Đặng Ngọc Mạnh – giảng viên khoa Mỹ thuật ứng dụng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trình bày hệ thống khoa học, các bài giảng được tập thể giảng viên khoa Mỹ thuật nghiên cứu và xây dựng dựa trên quá trình trao đổi trực tiếp với các nghệ nhân và triển khai thử nghiệm thực tế đối với các trường Tiểu học, mầm non trên địa bàn để từ đó nghiên cứu, chỉnh sửa sao cho phù hợp với độ tuổi của các đối tượng học sinh.
Bà Bùi Thị Hương Thủy – Phó trưởng phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa TT&DL Hà Nội đã có chia sẻ trong buổi làm việc: Dưới vai trò là đơn vị thường trực của chương trình này, trong những năm qua, việc quan tâm đến chính sách đối với các nghệ nhân và bảo tồn hai dòng tranh Đông Hồ và Kim Hoàng đều được các cấp chính quyền quan tâm và có các phương án giữ gìn và bảo vệ, thể hiện qua Đề án Bảo tồn dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc quảng bá di tích đình Nam Hương phục vụ phát triển du lịch quận giai đoạn 2021 – 2026 và những năm tiếp theo của UBND TP. Hà Nội. Các hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống còn gắn với phát triển du lịch.
Tuy nhiên chưa có hoạt động thực sự về bảo tồn, khôi phục mang tính hiệu quả bền vững. Do đó Sở Văn hóa TT&DL Hà Nội gửi gắm một mục tiêu quan trọng đối với trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội: xây dựng một chương trình đào tạo và thực hành có hệ thống, nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật của Thủ đô, đồng thời đảm bảo sự kế thừa và phát triển bền vững qua các thế hệ trẻ.
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án nhà trường xây dựng cần thể hiện được các tiêu chí phát triển bền vững, chất lượng sản phẩm của đề án, phương pháp triển khai phát triển di sản bền lâu. Bà Bùi Thị Hương Thủy mong rằng, thông qua quá trình triển khai đề án sẽ phát hiện và động viên các học sinh sáng tạo dựa trên chất liệu truyền thống ra sản phẩm văn hóa, số hóa có ứng dụng thực tiễn.
Tiếp theo chương trình Ths. Nguyễn Thị Bình – Giáo viên Trường THCS Di Trạch, Hoài Đức, Hà Nội trình bày về quá trình khôi phục tranh Kim Hoàng – Dòng tranh dân gian được nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa đã khởi xướng dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng” từ năm 2016.
(
Các chuyên gia và nghệ nhân cũng đã có những chia sẻ chuyên môn, lời cảm ơn đối với các Lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.
Tổng kết chương trình TS. Vũ Tiến Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội phát biểu: Để một di sản được vinh danh đã không dễ, nhưng để lưu giữ, bảo tồn di sản ấy lại là một hành trình dài. Do đó, việc lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau thông qua giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn rất cần được thực hiện đồng bộ, thực sự đi vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ, tôn vinh.
Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hi vọng, sự chung sức đồng lòng của cán bộ giảng viên nhà trường nói riêng cùng với các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, cơ quan cấp trên nói chung, là tâm huyết để trong tương lai gần, tranh dân gian sẽ phát triển trở lại, rực rỡ như lịch sử vốn có của nó, góp phần làm nên bản sắc Việt Nam như lời thơ của thi sĩ Hoàng Cầm:
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.