Gương Người tốt, việc tốt – Ngọn nến sáng trên giảng đường

NHÀ GIÁO PHƯƠNG MAI –

NGỌN NẾN SÁNG TRÊN GIẢNG ĐƯỜNG

 

Cựu tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Atatürk đã có câu nói “A good teacher is like a candle – it consumes itself to light the way for others” dịch ra câu nói có ý nghĩa “Một người thầy tốt giống như ngọn nến – cháy hết mình để thắp sáng đường đi cho những người khác”. Câu nói ấy gợi cho tôi nhớ đến cô giáo Đỗ Thị Phương Mai – giáo viên khoa Mỹ thuật ứng dụng, trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Người không quản ngại nắng mưa vẫn ngày ngày lên lớp, dạy cho biết bao thế hệ học trò tại mái trường thân yêu. Để đến bây giờ mỗi lần nhắc lại những kỷ niệm của từng lứa học trò, cô Mai vẫn vui mừng và đầy xúc động.

Để có những kinh nghiệm giảng dạy như ngày hôm nay, cô Phương Mai đã có khoảng thời gian 23 năm trau dồi những kiến thức về may mặc. Từ năm 1993, khi vẫn chỉ là cô sinh viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa công nghệ may, cô Mai mang trong mình niềm đam mê với những viên phấn, cuộn chỉ đủ màu sắc và các chất liệu vải với sự đa dạng về chất liệu và mẫu hoa văn khác nhau, để đến bây giờ cô Mai đã là giáo viên – thạc sỹ kỹ thuật công nghệ vật liệu dệt may. Có lẽ niềm cảm hứng đến từ người cha của cô, là ông Đỗ Ngọc Phúc, sau khi xuất ngũ, ông xin về làm cán bộ tại công ty May 10 tại Gia Lâm, Hà Nội. Cô đã được cha chỉ dạy nhiều điều, từ những kinh nghiệm của người đi trước và để rồi đến ngày hôm nay, cô đã truyền đạt lại những kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình đến bao thế hệ học trò.

Hai mươi năm công tác dưới mái trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội là hai mươi mùa tựu trường qua đi, nhưng mỗi lần tựu trường đối với cô Phương Mai lại là những kỷ niệm khó quên. Mỗi kỷ niệm đối với người khác là giản đơn, nhưng với cô đó lại là hồi ức, là hoài niệm của bậc cô – thầy.

Cô Mai cùng các giảng viên trong khoa Mỹ thuật ứng dụng (năm 2020)

Trong nhiều năm công tác tại trường, Cô Phương Mai đã tham gia nhiều hoạt động do đơn vị tổ chức. Phải kể đến hoạt động trải nghiệm nghệ thuật do đơn vị khoa phụ trách với tên gọi “Tháng Tư về”. Mục đích của hoạt động nhằm đưa nghệ thuật hội họa đến gần hơn với người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Các hoạt động bao gồm: in khắc tranh, vẽ/trang trí áo phông, ký họa chân dung, cắt dán bồi giấy, trưng bày các bộ sưu tập thời trang,…. Buổi workshop đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bé và bậc phụ huynh.

(Những hình ảnh kỷ niệm của buổi workshop “Tháng Tư về”)

 

Ngoài tận tụy với công việc giảng dạy ở trường, cô Phương Mai còn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động thiện nguyện do nhà trường tổ chức cũng như các hoạt động thiện nguyện ở ngoài đơn vị.

Cô Phương Mai đã đóng góp một phần không nhỏ vào chương trình thiện nguyện “Ấm áp mùa đông” tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai do Trường Cao đẳng Nghệ thuật phát động. Thời điểm đó, phương tiện di chuyển còn nhiều khó khăn, nhưng đoàn thiện nguyện không quản ngại đường xa, thời điểm khi đó còn chưa có đường cao tốc như ngày nay, thời gian di chuyển kéo dài từ 7 đến 9 tiếng đồng hồ chỉ với mục đích nhằm trao tận tay gần 40 suất quà, mỗi suất quà tại thời điểm đó có giá trị 400.000đ/suất quà cho các bé, bao gồm khăn ấm, quần áo cho mỗi lớp học trên Lào Cai để những bé học sinh nội trú có thể giữ ấm, bảo vệ sức khỏe, an tâm đến lớp học con chữ. Không những thể chính tay cô Mai chọn lựa và mua thêm 25 chiếc chăn dạ bằng tiền của mình để cho các em ở nội trú tại trường, cô Mai vô cùng xót xa khi biết nhiệt độ về đêm ở vùng núi Lào Cai còn có thể xuống đến 1-20C, những chiếc chăn cô Mai đem lên cũng mong sẽ hỗ trợ các em một phần nào. Chương trình thiện nguyện với tên “Ấm áp mùa đông” năm đó đã đáp ứng được mục tiêu với ý nghĩa thể hiện tình cảm, sự sẻ chia đối với các bé học sinh trên địa bàn các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai.

Khi nhớ lại thời điểm chương trình thiện nguyện diễn ra, cô Mai vẫn còn cảm xúc bồi hồi, đôi mắt rưng rưng niềm xúc động khi tận mắt cảm nhận được niềm vui sướng của đám trẻ khi ấy lúc được nhận quà, đường đi lại còn chưa thuận lợi nên không có nhiều các đoàn thiện nguyện tìm đến đây. Cô Mai cũng chỉ mong “những cô cậu bé thời đó đến nay đã trở thành những học sinh ngoan, sinh viên giỏi. Biết đâu đấy có duyên, mấy đứa lại là chính học sinh của mình khi thì vui biết mấy, em nhỉ?”

(Tư liệu Chương trình “Ấm áp mùa đông”)

 

Đợt bão, lũ lịch sử của miền Trung năm 2020 được xem là một năm thiên tai “khốc liệt và dị thường”. Trận lũ quét xảy ra với cường độ mạnh, sạt lở đất trên phạm vi rộng khiến cho cuộc sống người dân miền Trung bị thiệt hại nặng nề về người và của. Với một người có tấm lòng vị tha, cô Mai đã đứng lên cùng với các đơn vị địa phương, các em học sinh trong cô lớp cô chủ nhiệm ở các niên khóa, kết nối các mạnh thường quân chung tay đóng góp lên tới 100 thùng quần áo, nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập các loại để gửi đến bà con miền Trung. Đợt vận động năm đó đã quyên góp được rất nhiều nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập cho người dân vùng bão lũ, những nhu yếu phẩm có tổng giá trị chỉ khoảng 30 triệu đồng chưa kể đến vật phẩm mà mọi người trực tiếp đem tới để ủng hộ, tuy nhiên những thùng đồ đó có giá trị lớn về mặt tinh thần, là nguồn động viên lớn lao cho người dân miền Trung. Với lời vận động “Lá lành đùm lá rách – xin hãy cho khi còn có thể”, cô Mai đã nhận được rất nhiều lời ủng hộ và góp sức từ phía cộng đồng, được tài trợ miễn phí chuyến xe chở đồ từ thiện từ Hà Nội vào miền Trung bên phía nhà xe Văn Minh.

(Cô Mai cùng bà con khu chung cư 93 Lò Đúc phân loại đồ ủng hộ miền Trung)

 

(Chuyến xe chở nhu yếu phẩm vào miền Trung năm 2020)

100 thùng đồ được vận chuyển lên  xe bao gồm: 05 thùng đựng cặp sách, 3 thùng sách vở, văn phòng phẩm, 100 áo mưa giấy và còn lại là các thùng quần áo, găng tay, mũ, khăn quàng cổ và lương thực khô…..Những thùng đồ đã được phân loại kỹ lưỡng, quần áo được giặt giũ sạch sẽ thơm tho và xếp vào từng thùng có lót chống ẩm, cô Mai còn đánh dấu phân loại thùng để khi bà con nhận được sẽ dễ dàng chia đến từng nhà. Cô Mai ngoài là người có lòng trắc ẩn, cô còn là người rất chu đáo và cẩn thận.

Đợt quyên góp cho người dân bị thiệt hại ở vùng bão, lũ miền Trung đã nhận được hưởng ứng của rất nhiều thành viên, các mạnh thường quân, và cả những lời động viên, lời khen ngợi từ mọi người xung quanh cô.

Bên cạnh vai trò là nhà giáo, cô Mai còn là một người vợ đảm đang, khéo léo, một người mẹ ân cần chăm sóc, dạy bảo các con. Sau các tiết dạy cô trở về với niềm yêu thích riêng của mình là chăm sóc vườn cây, may những bộ quần áo, đan khăn,… những sở thích nhẹ nhàng, bình dị phù hợp với tính cách thùy mị, hòa nhã của cô giáo Phương Mai.

 

Tác giả: Nguyễn Hà My

Bộ phận Tổ chức Cán bộ – Phòng Tổ chức Hành chính