Nghệ thuật múa Việt Nam: Đôi điều cảm nhận

448082138 496632166048142 9061730435882850850 n

       Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, nghệ thuật múa Việt Nam đã ra đời và tồn tại từ rất sớm. Kho tàng múa dân gian của người Việt và gần 60 dân tộc thiểu số anh em đã chứng tỏ được tiềm năng của nó là vô cùng to lớn, phong phú và hết sức đa dạng.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển 80 năm qua (1945 – 2025), nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đã thực sự khởi sắc và đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Diện mạo một nền nghệ thuật múa vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa hiện đại đã được hình thành và ngày càng có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt.

Trong lĩnh vực sáng tác, các nhà biên đạo đã luôn bám sát thực tiễn để cho ra đời nhiều tác phẩm phản ánh sinh động muôn mặt đời thường. Cùng với nhiều mảng đề tài phong phú, đa dạng khác nhau thì mảng đề tài về chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới, hiện đại hóa đất nước luôn được tập trung khai thác, phản ánh khá thành công.. Hàng ngàn tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao với đủ thể loại đã ra đời. Những hình tượng múa tươi mới, sống động luôn xuất hiện trong các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp ở cả khu vực, các tỉnh thành và toàn quốc. Có thể kể ra đây một số tác phẩm tiêu biểu như kịch múa Đất nước của NSND Ứng Duy Thịnh, Tiểu đội xe không kính của NSND Thu Hà, Dư âm của NSND Hồng Phong, Biệt động thành của NSND Kiều Lê, Dũng sĩ rừng Sác của NSND Trần Ly Ly, Biển lửa quê tôi của NSND Lê Ngọc Canh, Hạt Thóc vàng của NSND Đỗ Tiến Định, Vũ điệu Công nghệ bàn phím của Thiên Sơn.v.v…

Yêu cầu đối với nghệ thuật ngày nay đã đổi khác. Các tác phẩm không thể ngợi ca chung chung theo hướng dân tộc thuần túy mà trên nền cốt cách dân gian, nghệ thuật múa phải thể hiện được hơi thở, nhịp sống thời đại cùng những góc cạnh của đời sống xã hội. Thực tế cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận và là nguồn chất liệu dồi dào cho các nhà biên đạo sáng tạo nên những tác phẩm hay. Các tác phẩm ấy phải xây dựng cho được những hình tượng múa đẹp, tiêu biểu, mang tính tư tưởng, thẩm mỹ nghệ thuật và giáo dục cao. Có như vậy nghệ thuật múa mới tồn tại, mới đáp ứng được nhu cầu phát triển chung của toàn xã hội và lòng mong đợi của quần chúng nhân dân.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ sáng tác, lực lượng biểu diễn của ngành Múa ngày càng được bổ sung đông đảo và hùng hậu. Số diễn viên được đào tạo chính qui ở các trường nghệ thuật của trung ương cũng như các địa phương ngày càng nhiều. Họ là lớp người kế tục sự nghiệp các thế hệ cha anh, đảm đương sứ mệnh lịch sử của ngành múa nước nhà. Nhiều tài năng đua nhau nảy nở. Nhiều gương mặt mới xuất hiện được các đồng nghiệp ghi nhận như: NSND Trần Ly Ly, NSND Kiều Lê, NSND Hà Kim Chung, NSND Nguyễn Ngọc Bích, NSND Hồng Phong, NSND Thu Hà, NSƯT Lê Vân, Nghệ sĩ Nguyễn Tuyết Minh, NSƯT Ái Hoa, NSƯT Quỳnh Dương, NSƯT Thanh Nam…

Song cũng phải thừa nhận một thực tế là, tuy những năm gần đây đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên Múa đã được trẻ hóa nhưng mới dừng lại ở mặt tuổi tác, hình thức, chứ chưa thực sự là một đội ngũ có kiến thức văn hóa, chuyên môn cao. Cũng chính vì thế, đã có nhiều trường hợp diễn viên tự biến mình thành những “thợ diễn” mà không thể vượt lên ở tầm cao trí tuệ của người nghệ sĩ sáng tạo? Do vậy, những qui luật đào thải của nghệ thuật nhất là nghệ thuật múa giờ đây càng trở nên nghiệt ngã hơn bao giờ hết. Nó đòi hỏi từ nhiều phía, liên quan đến nhiều mặt ở người nghệ sĩ. Đó là tài năng, tri thức, vốn sống, nhan sắc, tuổi đời… Vì thế, cùng với việc trẻ hóa đội ngũ biểu diễn thì việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức thường xuyên cho họ là rất cần thiết. Bởi người diễn viên múa trong thời đại ngày nay không chỉ là cỗ máy sao chép, bắt chước thụ động mà thực sự là những người cùng chung ý tưởng, mục đích sáng tạo với các nhà biên đạo ở khâu cuối cùng để tác phẩm được hoàn thiện.

Bên cạnh việc kế thừa và phát triển vốn cổ dân tộc, chúng ta đã tiếp thu tinh hoa nghệ thuật thế giới một cách chọn lọc và đạt kết quả tốt. Múa cổ điển châu Âu, Ba lê, Kịch múa đã có mặt ở nhiều sân khấu lớn, nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong “làng múa Việt Nam”. Đó là cả một quá trình phấn đấu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa dân tộc và hiện đại, giữa cáí mới và cái cũ, giữa dân gian với kỹ thuật tiên tiến. Có thể nói, các nghệ sĩ múa Việt Nam đã rất xứng đáng với danh hiệu “Người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, đóng góp đắc lực cho sự phát triển của ngành múa nói riêng và nền nghệ thuật dân tộc nói chung.

Trong công tác lý luận, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghệ thuật múa dân gian truyền thống của các dân tộc ở trong nước và đó đây cũng đã có những công trình giới thiệu về nền nghệ thuật múa của các nước trên thế giới. Các công trình khoa học ấy đề cập khá sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nghệ thuật múa như sáng tác, biểu diễn, lý luận và đào tạo …

Song nhìn toàn cục cũng phải thấy rằng, đội ngũ các nhà lý luận phê bình – lực lượng phát hiện, chỉ lối dẫn đường cho sự phát triển của ngành Múa chưa được hình thành đông đảo, chưa phát huy được vai trò tiên phong của mình. Số đầu sách đúc kết thực tiễn, thiết thực đóng góp cho hoạt động sáng tác và biểu diễn còn quá khiêm tốn. Đã đến lúc đội ngũ các nhà lý luận cũng cần phải vượt lên, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, gợi mở hướng phát triển cho ngành, hướng sáng tạo cho các nhà biên đạo và nghệ sĩ diễn viên. Đó là những vấn đề trọng tâm đang đặt ra cho toàn ngành trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.

Nhìn lại những chặng đường phát triển đã qua chúng ta nhận thấy, ngoài những thành tích đã đạt được rất đáng khích lệ, nghệ thuật múa Việt Nam vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục.

Trên bình diện lý luận thật dễ. Song, trực tiếp bắt tay vào thực tế quả là không đơn giản. Sự nghiệp đổi mới đã tác động mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống xã hội. Các ngành nghệ thuật đang loay hoay hoạch định hướng đi cho mình. Ngành nghệ thuật múa cũng không ngoài quĩ đạo ấy. Làm thế nào để vừa kế thừa, gìn giữ được vốn cổ truyền thống, vừa trên cơ sở đó sáng tạo và ngày một phát huy có hiệu quả nền nghệ thuật múa dân tộc cùng những tinh hoa của nền nghệ thuật múa thế giới? Đó là những đòi hỏi bức thiết của đất nước và cũng là mục tiêu hướng tới của các nghệ sĩ múa Việt Nam hôm nay.

Tiếp tục vươn tới xây dựng một nền nghệ thuật múa Việt Nam dân tộc và hiện đại, chúng ta mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa tới viêc đào tạo nhân tài, chăm lo cả về mặt vật chất cũng như tinh thần cho các nghệ sĩ múa. Chỉ như vậy mới có cơ sở để tin tưởng rằng, một ngày không xa nữa nền nghệ thuật múa Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, sánh ngang tầm nghệ thuật múa các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới./.

Tác già: Ths. Trịnh Thúy Hằng