Ngày 25/4/2025, tại Nhà hát thực hành – Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Tổng kết Liên hoan Ban nhóm Biểu diễn Nghệ thuật lần thứ VII, khép lại một mùa nghệ thuật sôi động, sáng tạo và nhiều cảm xúc. Sự kiện quy tụ hơn 200 học sinh – sinh viên đến từ nhiều khoa chuyên ngành, cùng sự tham dự của lãnh đạo các cơ sở đào tạo nghệ thuật và các nhà hát trên địa bàn Thành phố Hà Nội cùng đông đảo giảng viên, cộng tác viên khán giả yêu nghệ thuật.
1.Sân chơi mang giá trị đào tạo và kết nối:
Liên hoan Ban nhóm Biểu diễn Nghệ thuật là một trong những hoạt động chuyên môn trọng điểm, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Với truyền thống 14 năm phát triển, chương trình không chỉ là nơi để sinh viên thể hiện tài năng trên sân khấu, mà còn là minh chứng sống động cho mô hình đào tạo nghệ thuật gắn liền thực tiễn mà Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội hướng tới.
“Liên hoan là cơ hội để sinh viên cọ xát, phát triển tư duy nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, bản lĩnh sân khấu và nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo độc lập – những yếu tố không thể thiếu với người làm nghề biểu diễn”, – TS. Vũ Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ trong bài phát biểu tổng kết.

Không chỉ có sự đồng hành của giảng viên nhà trường, liên hoan còn thu hút sự quan tâm từ các đơn vị nghệ thuật như Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Học viện Múa Việt Nam, Trường Đại học VHNT Quân Đội, Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương, Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội. Điều đó cho thấy sức lan tỏa của một hoạt động được tổ chức quy mô và ngày càng nâng tầm chất lượng.
2. Những tiết mục biểu diễn đầy bản sắc:
Lễ tổng kết đã tái hiện những khoảnh khắc rực rỡ của liên hoan qua clip phóng sự, trước khi đưa khán giả bước vào không gian biểu diễn với các tiết mục xuất sắc nhất trong khuôn khổ liên hoan ban nhóm.
Mỗi tiết mục là một câu chuyện, một sắc màu với bản sắc riêng biệt:
(Tây Nguyên ngày mùa – Gvhd: Ths Lê Nguyễn Kiều Anh – giàu chất dân gian, đậm hương vị của quê hương đất nước)
(Sway, Trap Jazz – Gvhd: Ths Trần Tố Uyên vàThs Bùi Trị Điền, Phạm Quốc Linh – hiện đại, phá cách, thể hiện kỹ thuật hòa âm phối khí và tinh thần biểu diễn tập thể một cách nhuần nhuyễn)


(Be Italian – Gvhd: Ths Đinh Thị Lan Hương – giọng hát đầy nội lực cùng vũ đạo hiện đại, cuốn hút)
3. Sự ghi nhận cho cả một hành trình nỗ lực:
Các ban nhóm: Sông Hồng, Giao hưởng 2025, Scarvia, VTV2, Nhóm 22, Sim Lỏd… đã chinh phục khán giả không chỉ bằng năng lực chuyên môn mà còn bởi sự gắn kết, đồng điệu và phong cách dàn dựng sáng tạo.
Mỗi nhóm đều có sự hướng dẫn, cố vấn chuyên môn từ các giảng viên tâm huyết, tạo nên cầu nối bền vững giữa lý thuyết và thực hành, giữa giảng đường và sân khấu chuyên nghiệp.
Trong phần khen thưởng, đại diện nhà trường đã công bố những ban nhóm xuất sắc nhất
(Cô Ngô Thị Thanh Hà – Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính công bố quyết định khen thưởng)
Các giải thưởng lần lượt được trao cho những ban nhóm có thành tích nổi bật về kỹ thuật trình diễn, dàn dựng sáng tạo và khả năng thể hiện cảm xúc chân thực trên sân khấu.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, giải thưởng không phải là đích đến, mà chính là sự ghi nhận xứng đáng cho cả một hành trình nỗ lực không ngừng, sự trưởng thành trong chuyên môn và tinh thần đồng hành bền bỉ của các em sinh viên trên con đường nghệ thuật.
Bên cạnh các giải thưởng chính thức, chương trình còn vinh dự nhận được sự đồng hành và trao tặng giải thưởng từ các đơn vị nghệ thuật khách mời:
Đại diện Vietnam Artist Network đã trao Giải Nhóm hát xuất sắc cho tiết mục Be Italian (Nhóm Scarvia) và Giải Ban nhạc ấn tượng cho Ban nhạc Storm, ghi nhận sự sáng tạo và kỹ thuật biểu diễn nổi bật của các nhóm.
Đại diện Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã trao giải thưởng cho Nhóm 22 với tác phẩm Những thiên thần trên đá, kèm lời khen ngợi đặc biệt về tính nghệ thuật trong chủ đề và kỹ thuật dàn dựng bài biểu diễn.
Buổi lễ cũng là dịp để gắn kết giữa sinh viên các khóa, ngành, giữa thầy và trò, và giữa trường với các đơn vị nghệ thuật khác.


4. Phương pháp đào tạo nghệ thuật từ thực tiễn
Mô hình tổ chức Liên hoan Ban nhóm là điểm sáng trong phương pháp đào tạo của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Đây là cơ hội để sinh viên thực tập sân khấu ngay trong quá trình học tập, không chỉ làm quen mà còn làm chủ sân khấu, từ ý tưởng, dàn dựng, biên đạo đến việc thể hiện tác phẩm.
Kết hợp học tập – thực hành – biểu diễn, chương trình liên hoan ban nhóm biểu diễn nghệ thuật cũng chính là lớp học mở – nơi người học trải nghiệm thực tiễn nghề một cách chân thực nhất.
Buổi lễ tổng kết khép lại bằng những tràng vỗ tay, niềm xúc động và mong chờ đối với mùa Liên hoan tiếp theo. Trong lòng khán giả, giảng viên và sinh viên, đây không chỉ là một “liên hoan biểu diễn” mà là một hành trình mang tính khởi nghiệp nghệ thuật, là cơ hội để gắn kết.
Liên hoan Ban nhóm Biểu diễn Nghệ thuật lần thứ VII khép lại, nhưng những bài học, cảm hứng và sự kết nối mà nó mang lại sẽ tiếp tục lan tỏa và vun đắp cho hành trình nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ trong tương lai.