Kiến thức Âm nhạc

Một trong những khoa gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Nhà trường – Khoa Kiến thức âm nhạc.

Tiền thân là Tổ Xướng âm – Lý thuyết (1967 – 1984) và sau có tên Khoa Lý luận – Sáng tác (1984 – 2002).

Những ngày đầu ra đời, chức năng chủ yếu giảng dạy các bộ môn: Ký xướng âm và Lý thuyết âm nhạc cơ bản cho học sinh học âm nhạc. Ngoài chức năng giảng dạy các môn  lý thuyết âm nhạc cho học sinh toàn trường, từ năm 1986 – 1987 khoa bắt đầu đào tạo học sinh trung cấp và cao đẳng chuyên ngành lý luận và sáng tác, số học sinh trung cấp lý luận chủ yếu tiếp tục học tại Nhạc viện Hà nội và đều trở thành những sinh viên giỏi. Số sinh viên cao đẳng đều tốt nghiệp loại giỏi trở lên, trong đó có một sinh viên được giữ lại làm giáo viên của khoa.

Theo chức năng, nhiệm vụ của mình Khoa Kiến thức âm nhạc đảm nhiệm quản lý và giảng dạy các môn kiến thức cơ sở ngành âm nhạc cho học sinh, sinh viên các ngành: Sư phạm âm nhạc, Thanh nhạc, Nhạc cụ dân tộc, Nhạc cụ phương Tây, Piano, Múa.

Cùng với sự lớn mạnh của nhà trường, trong đó có một phần đóng góp của Khoa Kiến thức âm nhạc. Với đội ngũ cán bộ giảng viên không đông nhưng đảm nhận một khối lượng công việc rất lớn đòi hỏi mỗi cán bộ giảng viên của khoa phải có một sự cố gắng cao mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà Ban Giám hiệu Nhà trường giao phó. Tập thể khoa luôn xây dựng khối đoàn kết gắn bó, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong mọi hoạt động, nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị lao động tiên tiến xuất sắc và nhiều danh hiệu thi đua cá nhân khác cho một số cán bộ giảng viên trong khoa. Là đội ngũ vững vàng về chính trị, về chuyên môn, 100% trình độ Đại học và trên đại học, trong đó có 3 thạc sĩ và 2 giảng viên đang học cao học. Cán bộ giảng viên trong khoa luôn mạnh dạn, chủ động trong các hoạt động của nhà trường nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều đề tài nghiên cứu của khoa đã đem lại những giá trị ứng dụng tốt trong công tác đào tạo cũng như quản lý đào tạo. Với tinh thần trách nhiệm cùng lòng say mê nghề nghiệp, các cán bộ giảng viên và toàn thể học sinh đã cố gắng khắc phục mọi khó khăn để thực hiện bằng được việc dạy tốt, học tốt.